Một báo cáo gần đây về vai trò của tôn giáo trong đời sống xã hội, đã cho thấy một bức tranh ảm đạm miêu tả mối quan hệ giữa truyền thông và tôn giáo. Trong khi các phương tiện truyền thông thường xuyên tạc các vấn đề có liên quan đến người Hồi giáo, thì những người lên tiếng đòi công bằng nhiều nhất lại là những người theo Cơ Đốc giáo. Abby Day(1) cho rằng lý do của điều này có thể nằm ở những mối quan tâm cơ bản hơn, cổ xưa hơn và thậm chí là những thứ mang tính bản thể học.

Sự theo dõi sâu sát gần đây về mối quan hệ giữa các phương tiện truyền thông chính thống và tôn giáo cho thấy rằng mối quan hệ này dường như đang rạn nứt. Một cuộc điều tra kéo dài hai năm về vai trò của tôn giáo trong đời sống công cộng đã báo cáo rằng hầu như tất cả mọi người có liên quan đều bày tỏ lo ngại về cách mà giới truyền thông mô tả các sự kiện có liên quan đến tôn giáo và tín ngưỡng. Kết quả này có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, vì hầu hết những người tham gia tự nguyện tham gia vào nghiên cứu này đều thật sự cảm thấy lo ngại.

Mối quan tâm đó đang được khám phá tỉ mỉ hơn, bởi một Nhóm Nghị viện Toàn Đảng(2) mới thành lập về vấn đề hiểu biết tôn giáo qua các phương tiện truyền thông, do Nghị sĩ Bolton Yasmin Qureshi lãnh đạo. Các mục tiêu đã đề ra của họ là: Nâng cao hiểu biết về tôn giáo trên cả phương diện truyền thông và chính trị; thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn và khuyến khích hình ảnh đại diện tôn giáo xuất hiện trong phạm vi thông tin về tin tức và văn hóa trên các phương tiện truyền thông, lưu ý sự ưu tiên của tôn giáo là động lực chính của các cá nhân và cộng đồng; khuyến khích sự đa dạng khi đưa tin về hình ảnh tôn giáo; hướng tới Mục đích Công cộng Điều Bảy dành cho BBC trong Hiến chương Đổi mới: Thúc đẩy sự hiểu biết về tôn giáo.

Hình ảnh tôn giáo trên các phương tiện truyền thông

Có nhiều tài liệu đã ghi nhận được một số sai sót trong cách thể hiện tôn giáo trên các kênh truyền thông chính thống. Các đại diện truyền thông cần phải giải trình về các vấn đề chẳng hạn như những câu chuyện không chính xác về các nhóm tôn giáo cụ thể. Tổ chức Tiêu chuẩn Báo chí Độc lập (3) cần phải cứng rắn hơn và đảm bảo rằng việc đính chính và thu hồi thông tin có sức nặng tương đương với sự sai sót mà bài báo đã gây ra ban đầu.

Việc một số nhà báo có thái độ bất công với người Hồi giáo là một nhược điểm khác của giới truyền thông. Cụ thể, truyền thông thường đặt sự chú ý vào những câu chuyện về những người Hồi giáo “cực đoan”, và phớt lờ sự cực đoan cao tương tự của của Cơ Đốc giáo.

Câu chuyện về người theo Cơ Đốc giáo là người tốt/người theo Hồi giáo là người xấu được diễn đạt bằng cách cố ý mô tả kỹ hoặc bỏ sót, đề cập, hoặc không đề cập đến tôn giáo hoặc sắc tộc của những kẻ khủng bố. Ví dụ, kẻ sát nhân hàng loạt người Na Uy Anders Breivik không được truyền thông mô tả là một kẻ khủng bố Cơ Đốc giáo, mặc dù hắn tự nhận mình theo đạo Cơ Đốc, và sẽ là người bảo vệ Cơ Đốc giáo Châu Âu. Nhà nghiên cứu tôn giáo người Mỹ Stephen Prothero lưu ý đến việc những người theo đạo Cơ Đốc đã nhanh chóng tố cáo kẻ sát nhân đó, và cho rằng hành động của hắn ta là vì lý do chính trị chứ không phải tôn giáo, sự hào phóng khoan hồng đó không dành cho những người Hồi giáo giết người vì lý do chính trị-tôn giáo.

Vụ thảm sát tại Srebrenica năm 1995 là một ví dụ khác. Sự vụ này được truyền thông mô tả là vụ thảm sát 8.000 đàn ông và bé trai người Hồi giáo bởi “người Serb”, mà không đề cập tôn giáo của họ là Cơ Đốc giáo. Các nhà lãnh đạo quân sự và chính trị Serb bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh nhưng không được xem là những kẻ khủng bố Cơ Đốc giáo. Đó rõ ràng không phải là một "câu chuyện" đúng sự thật.

Quyết định về cách xây dựng một "câu chuyện" được thúc đẩy bởi các chuẩn mực văn hóa “luật bất thành văn”.  Câu chuyện không được nói đến ở đây, có vẻ như là một câu chuyện quốc gia, rằng “Người Hồi giáo là xấu và người Cơ Đốc giáo là tốt” và quốc gia Anh - hay người Anh da trắng - phải được bảo vệ. Điều thú vị là The Mirror ghi nhận việc David Cameron(4) đã lặp lại trong thông điệp Giáng sinh hàng năm của ông ta trong 2 năm liên tiếp, rằng nước Anh là một ‘Quốc gia Cơ Đốc giáo’.

Sau đó, hơi ngạc nhiên là những người Cơ Đốc thường được giới truyền thông đối xử ưu ái và có đặc quyền trong cộng đồng (từ sự xuất hiện hình ảnh đại diện của các Giám mục trong Hạ viện, đến việc Giáo hội Anh điều hành các trường công lập, và phát sóng các buổi lễ nhà thờ vào mỗi sáng Chủ Nhật trên BBC), rất nhanh chóng và khéo léo một cách chuyên nghiệp trong việc bảo vệ bản thân, bằng cách tuyên bố rằng họ là một bộ phận bị bỏ quên và bị hiểu lầm trong xã hội.

Thật vậy, trong khi các phương tiện truyền thông thường bóp méo những vấn đề liên quan đến người Hồi giáo, thì những người lên tiếng đòi công bằng nhiều nhất lại là những người theo Cơ Đốc giáo. Stuart và Ahmed đã tiến hành phân tích chi tiết về khía cạnh truyền thông của ba tờ nhật báo bán chạy nhất nước Anh: Guardian thiên tả, Daily Telegraph thiên hữu và Daily Mail - tờ báo lá cải thiên hữu. Phân tích của họ bao gồm các báo cáo về các ‘yêu sách’ chống lại tổ chức công hoặc tư của các cá nhân vì lý do tôn giáo. Họ phát hiện ra rằng từ năm 2000 đến năm 2010, Cơ Đốc giáo chiếm 67% các tuyên bố được báo cáo trên các phương tiện truyền thông, người Hồi giáo là 31%, và các nhóm tôn giáo khác ít hơn 10%. Người Cơ Đốc giáo cũng tham gia vào hầu hết (96%) các tuyên bố phân biệt đối xử.

Mâu thuẫn càng trở nên sâu sắc

Với việc Cơ Đốc giáo chiếm ưu thế và được giới truyền thông chấp nhận khá tương đối, việc nhìn nhận những mối quan tâm cơ bản hơn, cổ xưa hơn và thậm chí mang tính bản thể, có thể giúp giải thích sự lo lắng của người Cơ Đốc với giới truyền thông.

Trước tiên, tôi cho rằng, từ kinh nghiệm của mình, cả với tư cách là một cựu nhà báo, và với tư cách hiện tại, là một nhà xã hội học nghiên cứu về tôn giáo, rằng mỗi bên sẽ tuyên bố rằng mình nói "sự thật". Truyền thông và tôn giáo đều là những tổ chức phần lớn bao gồm những người hăng hái, làm việc chăm chỉ và tin vào những gì họ làm. ‘Niềm tin’ ở đây được hiểu là một cái gì đó sâu sắc và có ý nghĩa hơn việc chỉ đơn thuần là niềm tin vào những tuyên bố, câu chuyện về sự tồn tại của thần thánh hay các quy chuẩn báo chí, nhưng tin vào thần thánh hoặc các quy chuẩn báo chí thì có nghĩa là tin tưởng và có những hành động cụ thể xuất phát từ niềm tin đó.

Trong thực tế, cả tôn giáo và truyền thông thường không làm được điều đó. Những thất bại này không ngăn cản họ bám víu vào ý tưởng rằng “sự thật” mà họ nói là thiêng liêng, đặc biệt là khi họ hiểu “thiêng liêng” là một cái gì đó “không thể nhượng bộ”, như Veikko Anttonen đã lập luận. Khi hai nhóm người khác nhau tuyên bố rằng “sự thật” mà họ tin vào là bất di bất dịch, thì không thể tránh khỏi những mâu thuẫn. Điều cần thiết là hình thành một dạng hiểu biết về tôn giáo mà Adam Dinham mô tả là tập trung ít hơn vào việc tranh luận đâu là sự thật và nhiều hơn vào chất lượng của cuộc đối thoại, thảo luận.

Để thấy được sự phức tạp hơn của vấn đề, tôi gợi ý, rằng niềm tin của phía truyền thông và phía tôn giáo, khiến họ nghĩ rằng họ có ‘câu chuyện’ thực sự, như thể ‘câu chuyện’ đã ở đó, được đóng gói sẵn và chỉ đơn giản là đang chờ để được khám phá. Trên thực tế, 'sự thật' là sự kết hợp tổng hòa bởi nhiều câu chuyện. Truyền thông và tôn giáo sẽ chọn và tạo ra một sự thật của riêng mình. Đó được gọi là “góc nhìn”.

Vùng cội rễ mâu thuẫn tiềm ẩn thứ hai giữa tôn giáo và truyền thông liên quan đến "nguồn tin". Phân tích đa chiều của tôi về tôn giáo kết luận rằng nó thường là về ‘nguồn tin’ hơn là ‘nội dung’, làm chia rẽ những người có đạo và những người vô thần. Các nhà báo thường tìm đến các ‘chuyên gia’ ý kiến bình luận về một câu chuyện, vì họ tin rằng kiến thức có thể và được tạo ra thông qua giáo dục, đào tạo và thực hành. Những chuyên gia như vậy thường được đào tạo trong các trường đại học hoặc học viện. Những người tin vào tôn giáo có thể nghi ngờ những nguồn tin thế tục đó và chế giễu những nghiên cứu chứng minh cho tuyên bố của các chuyên gia.

Vùng xung đột cuối cùng, theo tôi, là tranh giành quyền lực chính thống. Truyền thông và tôn giáo không chỉ thuật lại câu chuyện mà họ đã chọn, họ còn phải giải thích tại sao những sự kiện đó lại xảy ra. Các chuyên gia truyền thông tự cho rằng họ mới có quyền chính đáng để bình luận về những gì xảy ra và và nguyên nhân từ đâu. Đặc biệt khi các sự kiện có tính giật gân hoặc đáng lo ngại, các nhà báo, biên tập viên và tổng biên tập vội vàng đưa ra lời giải thích và với vai trò gần giống tính chất tôn giáo, cố gắng đưa sự hỗn loạn trở về trật tự yên ổn. Những hành động như vậy , theo truyền thống thường được coi là vai trò của những người đứng đầu tôn giáo, hành động với giọng nói tiên tri.

Các phương tiện truyền thông gọi quá trình này là “phân tích”; tôn giáo gọi nó là “biện thần luận(5)”. Làm sao để giải thích việc những kẻ khủng bố giết hại người dân vô tội nhân danh tôn giáo? Một lời giải thích nhân văn sẽ tập trung vào các khía cạnh rất con người như sức khỏe tâm thần, hệ tư tưởng hoặc là điều kiện xã hội. Lời giải thích theo hướng tôn giáo (hoặc ít nhất là độc thần) có thể cố gắng giải thích tại sao một Đức Chúa Trời toàn năng, bác ái lại để những việc như vậy xảy ra, và xem xét phản ứng thích hợp theo hướng tôn giáo, sẽ là gì. Có thể là cầu nguyện, tiếp cận với những người khác trong mạng lưới chung tín ngưỡng, và cuối cùng là thuyết phục họ cải đạo từ Hồi giáo sang Cơ Đốc giáo.

Sự khác biệt và các mẫu thuẫn giữa tôn giáo và các phương tiện truyền thông dường như không thể hòa giải. Tuy nhiên, mối quan hệ này có thể cải khi mỗi bên đều tôn trọng, chịu lắng nghe và thấu hiểu cho những suy nghĩ, ý kiến của bên còn lại.

Chú thích của người dịch:

(1) Tiến sĩ Abby Day: tác giả của bài viết gốc.

(2) Nhóm nghị viện toàn đảng là một nhóm trong Nghị viện Vương quốc Anh bao gồm các thành viên quốc hội từ tất cả các đảng phái chính trị. APPG là các nhóm liên đảng không chính thức gồm các thành viên của Hạ viện và Hạ viện.

(3) Tổ chức Tiêu chuẩn Báo chí Độc lập là cơ quan quản lý độc lập lớn nhất của ngành báo và tạp chí ở Vương quốc Anh.

(4) David Cameron - Cựu Thủ tướng Vương quốc Anh

(5) Biện thần luận (bản gốc: theodicy): một thuật ngữ triết học

Bài viết này được chọn lọc, biên dịch, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Lê Trọng Nam
Trần Lê Thiên Ân
Huỳnh Ngọc Nhật Vy
Nguyễn Thị Tường Vi
Phan Anh Tuấn
và sự hỗ trợ từ Cộng tác viên Nguyễn Quốc Dung