Luôn trăn trở, tâm huyết về công cuộc “khai phóng giáo dục”, GS. Chu Hảo cùng cộng sự đã làm nên nhiều dự án, hoạt động liên quan đến lĩnh vực này. Bên lề hội thảo “Hiểu về tư duy” (tổ chức cuối tháng 7.2013 tại TP.Hội An) - nằm trong chuỗi hoạt động triển khai xây dựng Chương trình khai phóng giáo dục, GS. Chu Hảo dành cho Báo Quảng Nam cuộc trao đổi thú vị xung quanh chuyện giáo dục xưa và nay. Ông đề cao những sĩ phu, nhà hoạt động xã hội của Quảng Nam thời trước…
- Giáo sư thường nói, giáo dục Việt Nam đang nặng về kỹ thuật mà không thiên về lòng yêu thương, sự vị tha. Giáo dục vẫn còn nặng về đào tạo những lớp người thụ động. Nhưng nhiều thế hệ đã được thụ hưởng nền giáo dục như vậy và trưởng thành. Vậy làm thế nào để “Hiểu về tư duy”, thưa giáo sư?
GS. Chu Hảo: Tôi không phủ nhận nền giáo dục của chúng ta trước đây có nhiều ưu điểm… Tuy nhiên trong suốt thời kỳ dài, nền giáo dục của ta vẫn đi theo tư duy cũ, cung cấp tri thức cho học sinh càng nhiều càng tốt, những tri thức nặng tính hàn lâm. Tôi muốn góp phần thay đổi nền giáo dục hiện nay để đào tạo ra những lớp người biết tư duy, biết giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống một cách hợp lý, hiệu quả và đặc biệt là khơi dậy trong mỗi em tình yêu thương, lòng bao dung.
Triết lý giáo dục hiện đại có 3 điểm quan trọng và có tính phổ quát khá cao. Thứ nhất, giáo dục cho học sinh kiến thức không như “chất củi vào kho”, phải rèn luyện các em có đầu óc tư duy, tinh thần hoài nghi, phản biện. Thứ hai, phải giáo dục cho học sinh tình yêu thương bản thân mình và đồng loại, đây là tính nhân văn của giáo dục. Thứ ba, phải hướng dẫn cho học sinh thấy trách nhiệm của mình với xã hội. Và quan trọng hơn là để cho các em hiểu rằng: học để biết, để làm, để sống với mọi người.
- Giáo sư có thể đưa ra vài dẫn chứng so sánh?
GS. Chu Hảo: Ngày nay trên thế giới đã bắt đầu thấy hiệu quả từ cách giáo dục không trừng phạt, có nghĩa là giáo dục khơi dậy lòng tự tin, cảm hứng muốn coi việc học là hạnh phúc chứ không phải là gánh nặng. Chừng nào giáo dục còn quá thiên về áp đặt, kỷ luật thì sẽ cảm thấy đi học là gánh nặng. Ở nước ta hiện nay, ngay từ mẫu giáo cho đến các lớp đầu tiên của cấp 1 đã thấy hết sức nặng nề, chương trình giáo dục ngày càng khô khan, không có tính ứng dụng. Việc học trở thành việc bắt buộc chứ không phải là đòi hỏi tự thân, không tạo cảm hứng… Rất nhiều nước trên thế giới đã áp dụng một phương pháp học tập không ganh đua, không xếp loại, dần bỏ bớt kỳ thi ở các cấp dưới. Trong khi đó ở nước ta, ngay ở cấp mẫu giáo các em đi học đã có bệnh thành tích, thích sự ganh đua, điều này dẫn đến ích kỷ.
Nhiều nước chấp nhận quan điểm học sinh không chỉ giỏi một số môn tự nhiên mới là thông minh. Cách giáo dục của chúng ta hiện nay khiến nhiều học sinh cứ rơi vào tự ti rằng, dốt các môn toán lý hóa là dốt cả. Thầy Nguyên Ngọc đã nói, không có học sinh, sinh viên dốt, không giỏi cái này sẽ giỏi cái khác… Giáo dục hiện đại là phải biết khơi dậy trong trẻ nhỏ tiềm năng mà mỗi em có được. Có tới bảy loại trí khôn khác nhau; ngoài IQ (chỉ số thông minh) còn có EQ (chỉ số cảm xúc) nữa cơ mà.
- Với tinh thần khai phóng giáo dục, nếu phải “hiểu để tư duy” thì giáo sư  nhận xét như thế nào về những người Quảng Nam lớp trước như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lê Cơ... đã sớm giương “cờ thực nghiệp, trống duy tân”?
GS. Chu Hảo: Đó là những người đi trước thời đại và dám bảo vệ quan điểm của mình đến cùng. Hoạt động của những nhà giáo dục và xã hội Quảng Nam cũng xuất phát từ đặc tính địa phương dám đi đến cùng, dám cãi đến cùng. Đặc tính Quảng Nam mà dân dã hay nói là “Quảng Nam hay cãi” ấy tôi nghĩ xuất phát từ cách nói về những sĩ phu, nhà hoạt động xã hội ở Quảng Nam dám đặt lại vấn đề, bảo vệ ý kiến và cố gắng đi đến cùng. Và các cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… là những điển hình.
- Vậy phải chăng, tư duy giáo dục của chúng ta hiện nay “lạc hậu” hơn các cụ ngày trước?
GS. Chu Hảo: Đúng quá rồi chứ còn gì! Tư duy giáo dục của chúng ta hiện nay rất lạc hậu. Lạc hậu nhất ở chỗ thường là nói trong văn bản, văn kiện như vậy nhưng trên thực tế không phải vậy. Đôi khi có những ý tưởng rất tốt, rất hay phù hợp với thời đại nhưng nó chỉ dừng trên giấy chứ không đi được vào cuộc sống.
- Đất học Quảng Nam trong quá khứ và hiện tại thường xuất hiện nhiều gương mặt hiếu học, học giỏi và thành tài, ví như những người mà ông có thể quen biết trong giới trí thức hiện nay là anh em nhà GS. Hoàng Tụy, hay TS. Trần Văn Thọ, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng... Bước đường họ đã đi và sẽ tới với sự khai phóng tư duy có gây cho ông ấn tượng đẹp?
GS. Chu Hảo: Tất cả những người từ thời Đông kinh nghĩa thục cho đến thế hệ sau như GS. Hoàng Tụy và thầy Nguyên Ngọc đều đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng hết sức tốt đẹp về tinh thần khai phóng. Tinh thần này biểu hiện ở chỗ họ chấp nhận sự đa dạng, không phải cái gì khác ta là xấu, không đúng con đường chính thống là phản động. Dám chấp nhận cái khác mình để tiếp thu tinh hoa và phát triển, đấy là tinh thần thứ nhất của khai phóng và đấy là tư duy hết sức hiện đại. Thứ hai là khơi dậy tiềm năng của mỗi cá nhân để mỗi người tự giải phóng mình, khai phóng mình và tận dụng tối đa tiềm năng của mình. Khai phóng như vậy là hết sức nhân văn, đồng thời phù hợp với xu thể phát triển của thời đại. Và tôi tiếp thu tinh thần khai phóng của họ.
- Từ chuyện người xưa ngẫm đến chuyện canh tân giáo dục của thầy Nguyên Ngọc hiện nay, giáo sư nghĩ gì về mô hình của Đại học Phan Châu Trinh (Hội An)?
GS. Chu Hảo: Bất kể cái gì thật mới đều là ngoại lệ, bất kể những gì đột phá đều ra ngoài thông lệ, ngoài “khu vực trung tâm”. Hiện tượng trường Đại học Phan Châu Trinh (Hội An) với triết lý khai phóng là ngoại lệ, ở ngoại vi nên gặp muôn vàn khó khăn, rất dễ thất bại nếu không có sự kiên trì và sự ủng hộ của những người tâm huyết. Thế nhưng nó có thể là mô hình ảnh hưởng trở lại hệ thống lớn và đến khi nó được khẳng định thì sẽ biến giấc mơ thành hiện thực.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
 
Cách trọng dụng người tài
Bên cạnh cuộc trò chuyện về tinh thần “khai phóng giáo dục”, GS. Chu Hảo còn chia sẻ thêm về phương cách trọng dụng người tài. Theo ông, đây là vấn đề hết sức nghiêm túc, đặt ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Sử dụng người tài phải được thực hành từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước. Nếu cấp nhà nước biết trọng dụng nhân tài cấp nhà nước thì cấp địa phương biết dụng người tài ở cấp địa phương. Một nhà nước tôn trọng nhân tài là nhà nước dân chủ, có cơ chế phát huy ý kiến cá nhân, đảm bảo tư duy sáng tạo, những ý kiến có thể trái với chính thống, có thể không hoàn toàn tương hợp với quan niệm chung, với tập thể.  Người tài nếu trong một lĩnh vực kỹ thuật nào đấy để ứng dụng ngay ra thực tế thì dễ được sử dụng hơn những người tài có đầu óc phản biện xã hội. Những người tài chuyên môn dễ bị đố kỵ nhưng dù sao cũng dễ giải quyết hơn những người tài ở trình độ có những ý kiến sắc sảo liên quan đến quốc sách… Thường phải là nơi có chế độ tôn trọng tư duy độc lập mới sử dụng người tài ở cấp hiền tài. Hiền tài là những người không chỉ xuất sắc về mặt chuyên môn mà còn có uy tín và trách nhiệm xã hội cao, có đầu óc kinh bang tế thế…
GS. Chu Hảo - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ là một trong những người đầu tiên đi vào lĩnh vực nghiên cứu vi điện tử, triển khai chương trình quốc gia về công nghệ thông tin, đưa internet về Việt Nam… Ông là một trong những nhà trí thức đương thời có nhiều đóng góp cho phát triển xã hội, văn hóa. Hiện nay, ngoài làm Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức, ông còn là Phó Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh. Ông cùng với nhà văn Nguyên Ngọc, TS. Quách Thu Nguyệt, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn đã đề xuất Giải thưởng Sách Hay hằng năm, nhằm tôn vinh và thúc đẩy những cống hiến của các học giả trong nước.
Bài viết này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Nguyễn Đình Giang
Mai Đoàn Thảo Ly
Võ Minh Thục Quỳ
Lê Thắng
Lê Quang Tịnh