• Tác giả: Arnold Kling và Nick Schulz
  • Dịch giả: Nguyễn Trường Phú và Hồ Quốc Tuấn
  • Đơn vị xuất bản: NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh liên kết với Học viện Quản lý PACE
  • Năm xuất bản: 2019

 

“Tài sản vô hình, nợ tiềm ẩn và thành tựu lâu dài không phụ thuộc vào sự khan hiếm” là những đề tài được bàn đến chủ yếu trong cuốn sách Từ đói nghèo đến thịnh vượng - From Poverty to Prosperity của hai tác giả Arnold Kling và Nick Schulz (bản dịch của Nguyễn Trường Phú và Hồ Quốc Tuấn).

Cuốn sách viết về chủ đề kinh tế học nhưng không đem lại cảm giác nặng nề thiên về học thuật, mà cuốn sách là tập hợp những Công trình nghiên cứu kinh tế của các Nhà kinh tế học lớn trên thế giới. Với các chuyên đề được thể hiện thông qua buổi phỏng vấn với các nhân vật đã tạo được sự gần gũi, truyền đạt một cách dễ hiểu đến người đọc. 

Mở đầu ở Chương một là bàn về Kinh tế học 2.0 đã lật lại những bước phát triển, nhìn lại quá trình vận hành và điểm khác biệt so với nền Kinh tế 1.0 trước đó. Với nền tảng đó, các Nhà kinh tế bắt đầu bàn sâu hơn về các vấn đề cốt lõi như nền tảng kinh tế, tài sản vô hình, nợ tiềm ẩn,... 

Hơn nữa, với cách đặt tiêu đề và dẫn nhập ở mỗi chương là một sự ẩn dụ đầy thú vị và mang đậm giá trị truyền đạt đã đưa cuốn sách tưởng chừng như bàn về một vấn đề tưởng như khô khan trở nên dễ hiểu khi có sự liên tưởng gần gũi. 

Chúng ta sẽ bắt gặp hình ảnh “đồng cỏ” hay “khu ẩm thực” để nói về nền tảng của thị trường. “Đồng cỏ, trong đó nguồn thức ăn không dư dả đã hạn chế phúc lợi của đàn gia súc chăn thả” hay “khu ẩm thực, trong đó có sự đa dạng về công thức và khả năng thay thế giúp làm tăng sự dư dả”.

Hay cụm từ “Tầng phần mềm” được chỉ đến kiến trúc thượng tầng về chính sách, hành lang pháp lý của Nhà nước đã ảnh hưởng đến nền kinh tế thị trường, mà tác giả có nhắc đến ví dụ điển hình là Ấn Độ. Các doanh nhân được mệnh danh là “Trái tim bơm dòng đổi mới,...” và nhiều hình ảnh được đưa ra để người đọc có thể dễ hình dung và tiếp nhận.

Bên cạnh “những ý tưởng để giải thích sự khác biệt rất lớn về chất lượng cuộc sống giữa các mốc thời gian trong lịch sử và giữa các quốc gia”, thi cuốn sách cũng nêu bật lên mấy vấn đề khi bàn về Kinh tế học:

- Kinh tế học 1.0 nói về sự khan hiếm thì Kinh tế học 2.0 nói về sự dư dả.

- Kinh tế học 2.0 cho rằng sự khác biệt về chất lượng cuộc sống giữa các mốc thời gian trong lịch sử giữa các quốc gia “phản ánh những tài sản vô hình và khoản nợ tiềm ẩn”.

- Nhưng những “tài sản vô hình và những khoản nợ tiềm ẩn là những trở ngại mang tính thể chế và văn hóa đối với sự đổi mới và năng suất lao động.”

Cuốn sách đã đưa một chủ đề có tính hàn lâm trở nên gần gũi với nhiều góc nhìn, nhiều gợi mở cũng như bàn sâu các vấn đề thực tế. Cuốn sách có thể là một bước đầu cho sự tìm hiểu về kinh tế và thị trường, nguyên nhân của thịnh vượng và đói nghèo cũng như tìm thấy các nguyên lý căn bản khác.

 
Bài giới thiệu Sách này được sưu tầm và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 6

Đặng Xuân Hải
Mai Thị Như Thảo
Hồ Đông Thụ
Lê Trung Thu
Nguyễn Hữu Ý