• Tác giả: Marcus Tullius Cicero
  • Dịch giả: Lương Đăng Vĩnh Đức
  • Đơn vị xuất bản: NXB Hồng Đức
  • Năm xuất bản: 2017

Chúng tôi lại tiếp tục giới thiệu một quyển sách không dễ đọc nhưng chứa đựng những tư tưởng tiến bộ, những trầm ngâm và hình dung của nhà triết học Marcus Tullius Cicero về một nhà nước, một chính quyền tân tiến, là nền tảng của nhiều học thuyết triết học chính trị và nhiều mô hình nhà nước hiện nay. 

Bàn về chính quyền thể hiện quan điểm của Cicero về quyền của công dân (chương 3), nhà nước (chương 4), pháp luật (chương 5), những phẩm chất của người lãnh đạo (chương 1, 4, 6). 

Với nhà nước, một chính quyền lý tưởng theo Cicero là một nhà nước “không được hành xử chuyên chế đối với người dân của nó”, vì nhà nước – res publica, “tài sản của nhân dân”. Nên “khi một quốc gia bị một kẻ độc tài cai trị, chúng ta không được khẳng định: đó là một kiểu nhà nước tồi tệ,…, bởi logic buộc chúng ta phải kết luận rằng: đó không phải là thể loại nhà nước nào hết” (Cicero, 2017, p. 250-251). Với ba hình thức nhà nước quân chủ chuyên chế, độc tài và dân chủ, Cicero nghiêng về chế độ dân chủ nhưng ông khinh miệt kiểu chính quyền quần chúng mang hình hài chuyên chế, “mạo danh và đội lốt nhân dân” (Cicero, 2017, p. 253). Với ông thì dân chủ chỉ thực hiện tốt vai trò của nó khi người dân thường trong một thời điểm sẽ là thành viên Viện Nguyên lão ở đó, theo hình thức luân phiên, quyết định những việc hệ trọng, hay nói cách khác “nguyên lão và thường dân có quyền lực hệt như nhau” (Cicero, 2017, p. 255). 

Picture11-1-.png

Nguồn ảnh: luatkhoa.org

Với luật pháp, Cicero cho rằng, luật được đặt ra để “giới hạn thẩm quyền” của quan chức. Ông đưa ra cách thức vận hành nhà nước với cơ chế kiểm soát và cân bằng giữa các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, luật pháp được đặt ra để điều chỉnh và biến đổi phong tục và lối sống của lãnh đạo, chỉ khi đó, họ mới có thể thay đổi tính cách của một dân tộc (Cicero, 2017, p. 283). Thật vậy, ông cực lực lên án lối sống xa hoa, tham lam, vơ vét của quan chức (thể hiện trong phần Buộc tội Verres). Cũng trong chủ đề về luật pháp, ông băn khoăn, nếu “nghĩa vụ của một con người công bằng và tốt đẹp là tuân thủ luật lệ. Thế nhưng, anh ta phải tuân thủ những luật nào?” Rồi ông mở ra một ý tưởng mới về một hình thức luật chung duy nhất, vĩnh cửu, bất biến, “phù hợp với cả mệnh lệnh lý tình và mệnh lệnh tự nhiên”, “áp dụng phổ quát cho tất cả mọi người”, “tiếng gọi nghĩa vụ, ngăn cấm làm điều sai trái” mà bất cứ thành phần nào cũng không thể phá hủy (Cicero, 2017, p.242, 245). Theo tác giả Huỳnh Trọng Khánh, người hiệu đính quyển sách này, “chính quyền cộng hòa La Mã cũng đã rất gần với quan niệm của ông” (Khánh, H. 2017). 

Quyển sách Bàn về chính quyền là tập hợp những bài hùng biện, những áng văn chương được Cicero dày công biên soạn. Dù còn nhiều tác phẩm của ông bị thất lạc, những gì còn lại được trình bày trong tập sách cũng đủ thể hiện sự uyên bác, tài hùng biện, bản lĩnh chính trị, sự chính trực và gương mẫu của một con người suốt đời đấu tranh chống lại sự độc tài chuyên chế và cổ vũ cho nền cộng hòa lý tưởng. 

Chú thích/ Tài liệu tham khảo:

  1. Khánh, Huỳnh Trọng. (26/05/2017). Điểm Sách: ‘Bàn về chính quyền’ – Nền Cộng hòa La Mã vận hành như thế nào. Luật Khoa, tra cứu ngày 30/12/2018 từ https://www.luatkhoa.org/2017/05/diem-sach-ban-ve-chinh-quyen-nen-cong-hoa-la-ma-van-hanh-nhu-nao/  

  2. Marcus Tullius Cicero. (2017). Bàn về chính quyền. TP. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Hồng Đức. 

Bài Giới thiệu Sách này được viết, thiết kế và biên tập bởi một Nhóm IPLer của
Chương trình Lãnh đạo Khai phóng IPL khóa 5

Văn Thị Ngọc Dung
Trần Đỗ Tâm Giao
Phan Duy Khánh
Hoàng Thị Thanh Thảo
Lê Nguyên Thông
Nguyễn Ngọc Trâm